Điếu cày cùng ấm nước chè
xanh trong những lúc giải lao của bác nông dân, anh thợ hồ, bác đạp xích lô…là
hình ảnh rất đỗi quen thuộc với những người Việt Nam, nhất là những người sinh
ra và lớn lên ở vùng Bắc bộ.
Hút thuốc lào trong lúc nghỉ ngơi |
Biết thưởng thức thuốc lào, biết phân biệt thuốc lào loại nào ngon, loại
nào êm, say cũng là cả một kỳ công và phải xem đó là thâm niên trong việc
thưởng thức thuốc lào. Để thưởng thức cái vị êm say, mơ mơ màng màng trong làn
khói mỏng manh của thuốc lào thì việc sử dụng cái điếu cày hay cái bát điếu
cũng đòi hỏi người hút ở sự quen thuộc, tuy không phải gọi là tinh tế gì cho
cao sang nhưng nếu không biết sử dụng nó cho đúng cách thì cái âm thanh phát ra
từ cái điếu cày hay cái bát điếu sẽ không giòn giã, không rền, làm cho người
hút mất đi cái cảm giác “khoái” , hay người ngồi gần đấy cũng không thèm ngó
ngàng.
Tôi vốn sinh ra ở làng Hội Am thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, cũng là
một ngôi làng có nhiều nét văn hóa từ bao đời, một vùng đất học nổi tiếng nhưng
ở đây tôi chỉ xin chia sẻ đôi nét về thuốc lào hay cái điếu cày, cái bát điếu
mà các cụ, các ông, các bà rồi đến những thế hệ cha chú tôi sau này đã sinh ra
từ làng tôi không ai là không biết đến thuốc lào và thậm chí là vật phẩm không
thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày.
Tuy không lớn lên ở làng, nhưng ký ức tuổi thơ về cái bát điếu, cái điếu
cày vẫn còn lờ mờ trong ký ức của tôi, và nhất là sau này có dịp trở về quê
thường xuyên hơn. Hồi còn bé, nhất là trong những mùa gặt, sau khi lẽo đẽo theo
người lớn ra đồng về, tôi lại chạy tót lên nhà trên, nhà ở quê thì thường làm
nhà trên nhà dưới, nhà trên là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung, có kê bàn, tủ thờ,
còn nhà dưới thì thường dùng làm phòng ngủ hay làm nhà bếp. Sẵn cái bát điếu
của ông ngoại trên bàn, tôi mân mê lại lấy que đóm châm và hút trộm cái sái
thuốc còn sót lại mà ông ngoại hút xong chưa kịp gẩy ra. Vì là cái sái nên có
lẽ nó không say, rít một hơi rồi nhả khói….xong là chạy đi cho nhanh không thì
chết đòn….
Giống như một đứa trẻ sống trong môi trường nào thì cái bản năng thuộc về
môi trường đó rất lớn, ta hay gọi là “ có sẵn trong máu”, có thế mà mỗi lần tôi
trộm nghịch thuốc lào thì cứ thế là hút, hút như đã biết từ lâu rồi. Nhưng có
nhiều người, mới tập tành hút, mà hút bằng bát điếu thì dễ chứ hút bằng điếu
cày mà không biết đặt hơi thì chỉ có sặc, mà sặc thuốc lào thì thôi rồi…ai đã
từng sặc nước hay sặc thuốc lá thì sẽ ít nhiều hiểu được cảm giác ấy.
Trong điếu cày hay bát điếu đều có một ít nước bên trong, theo tôi hiểu
thì nó có tác dụng lọc bớt các chất độc hại có trong thuốc lào, và một cái thú
vị hơn đó là nó tạo ra cái âm thanh rất đặc trưng, cái âm thanh này không phải
như một số nhạc cụ là thổi hơi vào mà nó được tạo ra khi người thưởng thức hút
vào, cái hơi ấy luồn qua kẽ ống, qua lớp nước bên trong tạo ra thứ âm thanh
không lẫn vào đâu được, mà chỉ có cái âm thanh này mới tạo ra được cái “thú”,
cái “khoái” cho người thưởng thức thuốc lào.
Hút điếu cày cũng khá kỳ
công, khi hút điếu cày làm từ ống tre, do có lớp vỏ cứng, người hút có thể dùng
tay vỗ vào miệng điếu hoặc lấy hơi từ bụng thổi cho “sái thuốc” (phần thuốc lào
chưa đốt cháy hết) ra khỏi nõ điếu. Nhưng nếu hút thuốc lào điếu cày làm bằng
ống cây nứa - có thân mềm hơn vỏ tre - người hút phải khá nhẹ nhàng, theo kiểu
“nâng như nâng trứng, hút như hút… điếu cày ống nứa”. Khi đã hút xong một điếu
thuốc lào, người hút tuyệt đối không được dùng tay vỗ hoặc thổi hơi vào miệng
ống để đẩy “sái thuốc” ra khỏi nõ điếu, vì có thể làm vỡ điếu hoặc lần sau hút
điếu cày sẽ không kêu “ríttt ríttt” vui tai. Lúc này, người hút điếu cày ống
nứa phải dùng lông đuôi gà ngoáy từ từ, chậm rãi vào nõ điếu để lấy “sái
thuốc”, vì vậy dân gian mới có câu ca: “Đàn ông phải có đàn bà, điếu cày phải
có lông gà mới kêu” để nói lên sự tao nhã và tỉ mỉ của việc thưởng thức một
phần hồn dân tộc này.
Hút thuốc lào giờ đây đã nâng một tầm cao mới đó là “chơi”, nói cho rõ
hơn đó là chơi điếu cày, chơi bát điếu giống như người ta chơi tem, chơi
sách…một thú chơi không kém phần tao nhã nhưng lắm công phu và tỉ mỉ.
Có nhiều loại điếu cày phù hợp từng đối tượng |
Về ngã năm Sô Tô Thanh Hóa, ai cũng biết anh Lê Thế Thiện với nghề làm
điếu cày. Trong gian nhà nhỏ chưa đầy chục mét vuông, nhìn những khúc tre,
trúc, nứa… ngổn ngang, đủ loại hình thù cùng bộ sưu tập điếu cày mới thấy cái
thú chơi tao nhã này dường như đã ngấm vào máu thịt gia chủ. Ngồi nhìn anh tỉ
mẩn tỉa tót, đẽo gọt từng mắt tre, đan từng sợi mây thành những vòng hoa văn
quanh miệng điếu mới thấy công phu để tạo ra một chiếc điếu đẹp không hề dễ
chút nào. Đấy là còn chưa kể tới việc nhiều chiếc điếu đã thành phẩm, sau một
hồi trưng bày, ngắm nghía, thấy chưa ưng mắt, anh lại mang xuống tiếp tục nắn
nót, gọt dũa…
Chưa đầy 30 tuổi nhưng
anh Thiện đã có “thâm niên” hơn chục năm làm điếu. Chỉ tay vào một chiếc điếu
cày thành phẩm, anh bộc bạch chia sẻ: “Để có được bộ sưu tập như thế này, ngoài
thời gian ngồi làm điếu, tôi còn phải lặn lội khắp các làng quê, thậm chí chạy
xe máy lên các huyện miền núi. Cứ ở đâu thấy có tre, nứa đạt các yếu tố đẹp,
độc, dị, lạ, tốt là tôi tìm tới để chọn những khúc tre, khúc nứa ưng ý nhất
mang về”.
Sau khi sưu tầm được vật
liệu làm điếu ưng ý, về đến nhà, anh Thiện bắt đầu công việc chế tác của mình.
Đối với điếu làm bằng tre, anh phải cạo sạch lớp cật tre bên ngoài, dùng giấy
ráp đánh sạch sẽ. Rồi anh cho điếu vào nồi luộc hơn 30 phút để xử lý hết chất
hữu cơ tự nhiên có trong thân tre, tránh mối, mọt sau này. Công đoạn cuối cùng
là ngâm điếu trong nước… bã rượu (có nơi gọi là bã hèm - bã được làm từ cơm ủ
với men rượu đã lên men, dân gian thường ngâm bã hèm trong nước sạch rồi chưng
cất nấu lấy rượu). Nếu không ngâm điếu bằng bã rượu, khi sử dụng, điếu cày sẽ
không “lên nước”.
Điếu cày “lên nước” là
chỉ chiếc điếu sau một thời gian sử dụng, dưới tác dụng của khói thuốc có hơi
nóng phía trong ống điếu, phía ngoài điếu sẽ dần dần chuyển từ màu vàng thô sơ
tự nhiên vốn có sang màu đen bóng với những hình hoa văn “trời phú” đẹp mắt.
Chiếc điếu “lên nước” càng nhiều hình thù hoa văn kỳ quái “độc nhất vô nhị”,
chủ nhân sở hữu càng được đánh giá là “dân sành điệu về… điếu”, được giới hút
thuốc lào nể trọng. Một chiếc điếu “lên nước” đẹp mắt có giá lên tới cả chục
triệu đồng, nhưng chủ sở hữu rất ít bán, chủ yếu để thể hiện đẳng cấp sành điệu
của mình.
Thú chơi bình
dân
Tìm hiểu được biết, giá
trị của một chiếc điếu trước hết phụ thuộc vào việc chọn được thân ống tre
(hoặc nứa) loại bánh tẻ, vóc dáng vừa vặn, có ụ mắt đẹp, có thể tạo được những
họa tiết sinh động và được xử lý đúng quy trình để khi dùng sẽ “lên nước” bóng
loáng. Nếu như làm thân điếu đã kỳ công, khâu làm nõ điếu cũng kỳ công không
kém. Hiện tại, nõ điếu được cho là đạt tiêu chuẩn phải được làm từ gỗ. Tùy từng
loại gỗ mà định giá sản phẩm. Bình quân, một chiếc nõ điếu làm từ gỗ mun thường
có giá dao động từ 250.000 -500.000 đồng.. Có chiếc nõ được làm từ gỗ mun sừng
(loại gỗ hiếm, màu đen bóng như sừng) có giá trên 1 triệu đồng. Cuối cùng là
chân điếu. Thường thì chân điếu được làm bằng gỗ, tạo dáng cá, dáng rồng tùy
theo sở thích của khách. Nhưng cũng có những khách hàng cầu kỳ, đặt làm chân
điếu bằng sừng nai, sừng hoẵng hoặc bằng răng nanh lợn lòi…, đẩy giá của chiếc
điếu cày lên đến cả chục triệu đồng. Tùy theo nhu cầu sử dụng của mỗi đối tượng
khác nhau, từ những người nông dân lam lũ đến dân chơi sành điệu, ai cũng có
thể tậu cho mình một cái điếu để thưởng thức cái món thuốc lào này
Đa dạng về mẫu mã |
Bên cạnh dòng sản phẩm
thông thường, một số dân chơi điếu cày còn chú tâm tìm chơi dòng điếu “dị”,
“độc”, “cổ quái”. Những chiếc điếu này thường được anh Thiện dày công tìm kiếm
từ những bụi tre cằn cỗi, lâu năm… để cho ra những chiếc điếu có thân liền với
gốc, dáng uốn lượn hợp lý và có những ụ mắt kỳ dị… Anh Thiện cho biết, với dòng
sản phẩm này, gặp dân chơi sành điệu, họ sẵn sàng bỏ ra dăm bảy triệu đồng để
sở hữu.
Cái bát điếu họa tiết tinh xảo |
Với tôi, chiếc điếu cày
hay thuốc lào không phải xa lạ, nhưng mà để hiểu nó thì còn là cả một quãng
đường dài, nhưng tôi muốn chia sẻ bài viết này để mang đến một dư vị mới, một
nét hoài niệm, nét văn hóa đặc sắc mà chỉ có ở những làng quê Việt Nam, để con
người Việt Nam ta ở khắp nơi trên thế giới hiểu nhiều hơn về những nét sinh
hoạt rất đỗi bình thường này nhưng nếu không có thuốc lào hay chiếc điếu cày,
bát điếu sẽ không làm nên một hồn Việt.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét