Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì- Hà Giang được nhà nước công nhận di sản cấp quốc gia năm 2012.

Biển Việt Nam

Bờ biển Việt Nam kéo dài hơn 3.400km từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến tận Mũi Cà Mau, tài nguyên phong phú, nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng: Bãi Dài (Phú Quốc), Bãi biển Nha Trang, Đồi Dương (Phan Thiết)...

Ẩm thực Việt Nam

Ẩm thực Việt Nam được coi là phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn khẩu vị với những thực khách khó tính nhất, nhiều món ăn đã mang tầm thế giới phải kể đến là: Phở, các món cuốn, Bánh xèo (pizza Việt Nam)...

Quốc Hoa

Hoa sen loài hoa biểu tượng cho sự thuần khiết, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, được lựa chọn là quốc hoa của Việt Nam, ngoài ra áo dài cũng được coi như quốc phục của Việt Nam

Quốc gia năng động

Được coi là một trong những nước có tốc độ phát triển tại Châu Á, Việt Nam đang dần chuyển mình trong mọi lĩnh vực, với khát khao trờ thành một con rồng của Châu Á trong thế kỷ 21.

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Công viên Lê Văn Tám - nghĩa trang của người giàu Sài Gòn xưa


Công viên Lê Văn Tám - nghĩa trang của người giàu Sài Gòn xưa
Từng là nghĩa trang dành cho lính Pháp, sau đó là của giới thượng lưu, đến năm 1983 nơi đây trở thành công viên Lê Văn Tám ở trung tâm TP HCM như ngày nay.


Khu vực nội đô TP HCM trước đây có rất nhiều nghĩa trang với hàng trăm nghìn ngôi mộ. Đa số chúng được xây dựng vào khoảng cuối cuối thế kỷ XIX, dưới chế độ Pháp thuộc, khi quy mô của Sài Gòn - Gia Định còn rất nhỏ. Sau đó, dân cư thành phố nhanh chóng trở nên đông đúc nên chính quyền phải di dời nghĩa trang để "lấy đất xây dựng các công trình phúc lợi, giữ vệ sinh môi trường".

Trong số những nghĩa trang, nổi tiếng và lâu đời nhất là Mạc Đĩnh Chi - nay là công viên Lê Văn Tám. Khu vực này được giới hạn bởi 4 tuyến đường Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu và Phan Liêm ở trung tâm quận 1.



Cổng chính nghĩa trang trên đường Legrand de la Liraye (nay là Điện Biên Phủ) lúc vừa được người Pháp xây dựng ở vị trí công viên Lê Văn Tám ngày nay. Ảnh tư liệu


Theo tác giả Tim Doling (Ireland) - người có nhiều nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử Sài Gòn - TP HCM, công viên Lê Văn Tám nguyên thủy là nghĩa trang của người Châu Âu (Cimetière Européen) hay nghĩa trang Massiges. Người Sài Gòn thời đó cũng gọi là Đất thánh Tây. Về sau mang tên là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.

Năm 1859, sau khi chiếm được Sài Gòn, người Pháp đã cho xây nghĩa trang này với diện tích 7,5 ha ở phía đông đường National (nay là Hai Bà Trưng). Lúc mới hoàn thành, nghĩa trang được giao cho Hải quân Pháp quản lý, chôn cất các sĩ quan và binh lính người Pháp trong cuộc chiếm đóng Sài Gòn.

Dù vậy, trong nghĩa trang cũng có một số lượng lớn các ngôi mộ của người Đức và Nga. Mãi đến cuối thập niên 1860, dân thường bắt đầu được chôn cất ở đây vì thời điểm đó Sài Gòn có rất nhiều người chết do dịch tả, sốt rét, ký sinh trùng đường ruột và kiết lỵ.

Vào khoảng năm 1870, nghĩa trang Việt Nam nhỏ (Cimetière Anamite hay Cimetière Indigène) được mở ngay tại phía bắc nghĩa trang của người Châu Âu. Đường phân chia hai nghĩa trang này được đặt tên là rue des Deux cimetières (đường hai nghĩa trang). Phải 10 năm sau, nó mới được mang tên là Mayer, sau đó là Hiền Vương và nay là đường Võ Thị Sáu.

Từ cuối thế kỷ 19, Sài Gòn bắt đầu phát triển thịnh vượng, nghĩa trang của người Châu Âu trở thành nơi an nghỉ của các chính trị gia xứ thuộc địa và các quản trị viên. Trong số đó có kiến trúc sư Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892) và thị trưởng thành phố Sài Gòn Paul Blanchy (1837-1901).



Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi vào thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Ảnh tư liệu


Sự thay đổi khiến nó thành nơi chôn cất cho tầng lớp thượng lưu thuộc địa được nhắc trong một báo cáo quan trọng trên tờ Courrier Saigonnais đăng ngày 14/12/1912. Sau đó, những ngôi mộ hoành tráng của người quyền thế ở Sài Gòn ngày càng tăng, trong khi các ngôi mộ của những người lính và thủy thủ Pháp bị bỏ phế cỏ mọc um tùm.

Đầu thế kỷ 20, nghĩa trang được chia cắt thành những con đường nhỏ có trồng cây và kiểng do nhân viên thảo cầm viên Sài Gòn chăm sóc. Nghĩa trang lúc này được bao bọc bởi bốn bức tường vôi cao 2,5 m với cổng chính ở phía nam đường Legrand de la Liraye (nay là Điện Biên Phủ).

Cổng chính nằm đối diện trực tiếp cuối phía bắc của đường Bangkok, và sau năm 1920 khi đường Bangkok được đổi tên thành đường Massiges (nay là đường Mạc Đĩnh Chi), nó được biết đến với cái tên mới là nghĩa trang đường Massiges.

Nhiều nhân vật nổi tiếng của thời kỳ thuộc địa sau đó đã được chôn cất ở đây. Tuy nhiên, ngôi mộ ấn tượng nhất giai đoạn này là lăng mộ của ông Nguyễn Văn Thinh (qua đời ngày 1/11/1946) - thủ tướng đầu tiên của thời tự trị Cộng hòa Nam Kỳ (1/6/1946- 8/10/1947).

Tháng 3/1955, khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, đường Massiges được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đổi tên thành Mạc Đĩnh Chi và tên gọi này mặc nhiên cũng trở thành tên của nghĩa trang.

Trong hai thập kỷ tiếp theo, các chính trị gia cao cấp, tướng tá và thành viên nổi bật khác của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng được chôn tại đây cùng với số lượng nhỏ người nước ngoài như phóng viên François Sully - làm việc ở tờ Time và Newsweek (qua đời tháng 2/1971).

Người nổi tiếng nhất được chôn cất tại nghĩa trang này là tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm và em trai - giám đốc cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu. Hai người đã bị quân đảo chính ám sát vào ngày 2/11/1963. Ngoài ra, nơi đây còn có mộ của thống tướng Việt Nam Cộng Hòa Lê Văn Tỵ, chuẩn tướng Lưu Kim Cương…



Một góc công viên Lê Văn Tám ngày nay, nơi từng là nghĩa trang của giới thượng lưu ở Sài Gòn. Ảnh: Vũ Hà Duy/Panoramio


Năm 1971, theo tác giả Arthur J Dommen, một phần bức tường phía tây của nghĩa trang bị đổ, kèm theo nó là những lời đồn đại đó là dấu hiệu cho thấy ông Thiệu phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Diệm và phải làm gì đó để giải thoát cho linh hồn ông Diệm.

Những lời đồn đại về ma quỷ ở nghĩa trang chỉ thực sự bắt đầu lan truyền rộng rãi sau năm 1983, khi chính quyền TP HCM quyết định ngừng hoạt động nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi với hàng nghìn ngôi mộ cùng kế hoạch xây dựng địa điểm này thành Cung Văn hóa thiếu nhi thành phố. Tuy nhiên, về sau nơi đây được quy hoạch thành công viên cây xanh và đặt tên là Lê Văn Tám.

Theo chỉ thị của chính quyền vào lúc đó, những người có thân nhân chôn trong nghĩa trang được hướng dẫn để sắp xếp cho việc cải táng trong hai tháng, nếu không có người nhận thì được hỏa táng và di dời nơi khác. Còn lại hài cốt của những người lính Pháp được đưa về quê chôn cất.

Cũng trong đợt di dời, giải tỏa này mộ của ông Ngô Đình Diệm và em trai được chuyển về nghĩa trang Lái Thiêu (Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương). Một người em trai khác của ông Diệm là ông Ngô Đình Cẩn được chôn tại nghĩa trang sân bay Tân Sơn Nhất sau khi bị xử bắn vào năm 1965, và mộ bà thân mẫu Phạm Thị Thân cũng được quy tụ về đây.

Hiện, công viên Lê Văn Tám có rất nhiều cây xanh phủ bóng mát đã thay thế cho nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi hoang vắng trước đây. Nơi đây cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giải trí cũng như các hội chợ, triển lãm về sách, nông nghiệp... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân địa phương mê tín không muốn đến đây vì lịch sử trước đó.

Đây cũng là nơi có dự án bãi đậu xe ngầm 100 triệu USD với quy mô chứa 2.000 xe máy, 1.250 ôtô, 28 xe buýt, xe tải và một bên là ba tầng hầm dành cho thương mại. Tuy nhiên, sau ngày động thổ vào tháng 8/2010, đến nay dự án đang “án binh bất động” vì vướng một số thủ tục và chưa biết bao giờ mới hoàn thành.

Trung Sơn

http://khatvongvietnam2016.blogspot.com/

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Lý giải mỹ danh 'Hòn ngọc Viễn Đông' của Sài Gòn xưa


Từ vùng đất hoang vu, hơn trăm năm trước người Pháp muốn biến Sài Gòn thành "Hòn ngọc Viễn Đông" để cạnh tranh với các thuộc địa khác của Anh.

Vùng Viễn Đông theo địa lý gồm các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Cuối thế kỷ 19, đầu 20, hầu hết các quốc gia này đều thành thuộc địa hoặc chịu ảnh hưởng của cường quốc phương Tây. Trong đó Pháp và Anh là hai nước xâm chiếm và mức độ cạnh tranh lớn nhất.
Lý giải mỹ danh 'Hòn ngọc Viễn Đông' của Sài Gòn xưa


Ngay sau khi chiếm được Nam kỳ, Pháp bắt tay vào việc xây dựng Sài Gòn. Ảnh:Tư liệu


Sự cạnh tranh của Anh, Pháp trong việc “khai hóa” các nước thuộc địa. Từ những năm 1895, Pháp tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng ở thuộc địa nhằm phát triển kinh tế. Họ đặt tham vọng vượt mặt nước Anh tại Singapore và HongKong.

Danh xưng "Hòn ngọc Viễn Đông" (La perle de l’Extrême Orient) xuất hiện để chỉ cho Sài Gòn. Đây được xem là thủ phủ của Đông Dương về kinh tế, giải trí để cạnh tranh với Singapore của người Anh.

Giai đoạn này, Sài Gòn từ thành phố hoang vu, được gọi là thị trấn giữa rừng (Prei Nokor) đã được người Pháp đầu tư xây dựng bài bản nhất so với các thành phố khác trong khu vực.

Dưới sự chỉ huy của trung tá công binh Coffyn, Sài Gòn được quy hoạch lại theo lối phương Tây. Giai đoạn này, khu vực trung tâm thành phố xuất hiện hàng loạt các công trình nổi bật còn tồn tại đến ngày nay như Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát thành phố, Dinh thống đốc, Phủ toàn quyền...

Tuyến đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay) được ví như trái tim của Sài Gòn khi tập trung nhiều điểm vui chơi, giải trí của thành phố. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn mọc lên dọc trục đường đã quy tụ giới tinh hoa, giàu có về tiêu xài, hưởng thụ.

Các công trình được xây trên khu đất đẹp, cao ráo, hướng ra dòng sông uốn lượn bao quanh là rừng. Trên kênh Lớn (đường Nguyễn Huệ nay) hay kênh Xáng (đường Hàm Nghi) có những khu chợ thông thương với sông Sài Gòn tấp nập người mua kẻ bán. Một thị trấn giữa rừng dần chuyển mình phát triển.

Những thương nhân ở Ấn Độ, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ... khi dong thuyền vượt biển qua trao đổi, buôn bán đều ấn tượng với thành phố mới nổi này. Họ neo thuyền dọc cảng Bến Nghé, Bạch Đằng lên bờ mua vải vóc, lụa là, châu báu rồi ghé những khu vui chơi sầm uất gần đó. Những thương thuyền này sau đó truyền miệng nhau tên gọi “Hòn ngọc Viễn Đông” - mỹ danh của Sài Gòn ra khắp thế giới.
Lý giải mỹ danh 'Hòn ngọc Viễn Đông' của Sài Gòn xưa


Tuyến xe lửa Sài Gòn - Gò Vấp năm 1910. Ảnh: Tam Thái


Giao thông đường thủy được người Pháp ưu tiên phát triển, kênh Bến Nghé – Tàu Hủ trở thành tuyến thông thương chính cho thuyền bè từ Đông Nam bộ, miền Tây vào sâu trong Sài Gòn đến vùng Chợ Lớn.

Hàng chục bến bãi bốc dỡ, chuyển hàng hóa mà tên gọi còn đến ngày nay như bến Hàm Tử, Bình Đông, Chương Dương, Vân Đồn, Bạch Đằng… Dọc theo hai kênh là đường bộ mà hiện nay là đường Võ Văn Kiệt và Bến Vân Đồn (quận 4), Bến Bình Đông (quận 8).

Ngoài tuyến đường thủy, để kết nối với khu Chợ Lớn và phía Tây Sài Gòn ngày nay, các đại lộ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai... dần hình thành. Đặc biệt, khi xuất hiện chợ Bến Thành năm 1914, nhu cầu thông thương hàng hóa giữa khu vực trung tâm Sài Gòn và Chợ Lớn phát triển mạnh. Từ yêu cầu cấp thiết này, khu vực đầm lầy giữa Sài Gòn - Chợ Lớn được san lấp để mở đại lộ Trần Hưng Đạo ngày nay.

Năm 1885, tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương dài 70 km nối Sài Gòn – Mỹ Tho cũng được xây dựng. Đây là tuyến đường sắt thứ hai do người Pháp xây dựng ở nước ngoài, sau tuyến đường 13 km ở Pondichéry (Ấn Độ) năm 1879. Ga tàu lúc đó nằm tại công viên 23/9 ngày nay, tuyến đường do nhà thầu Joret của Pháp thi công.

Tuyến đường sắt đã hút một lượng lớn khách ở Sài Gòn thời điểm đó. Chính quyền thuộc địa thu lời lớn từ dự án. Năm 1896, tổng lãi thu được từ tuyến đường sắt là 3,22 triệu francs, đến năm 1912 lãi 4 triệu francs.

Phía đông thành phố, năm 1902, cầu Bình Lợi được khánh thành đưa vào sử dụng. Cây cầu rút ngắn tuyến đường đi Thủ Đức, Biên Hòa, thông với đường thiên lý Bắc Nam (Quốc lộ 1 hiện nay) của người Việt xưa.

Nếu so sánh về hạ tầng cơ sở, cùng thời, Sài Gòn bỏ xa Bangkok và Singapore. Nhưng lúc bấy giờ, Singapore có tầm quan trọng lớn về chiến lược khi nằm trên tuyến đường biển quốc tế, nơi thông thương của thương thuyền trên thế giới. Lúc này, Singapore cũng là hải cảng lớn nhất khu vực.

Theo Kiến trúc sư Khương Văn Mười, lúc Sài Gòn được xem là “Hòn ngọc Viễn Đông” thì thành phố có quy mô nhỏ, phạm vi chỉ gói gọn ở trung tâm Sài Gòn ngày nay. Mỹ danh này cũng sớm kết thúc vào giữa thế kỷ 20.

Do chiến tranh cũng như người dân nông thôn đổ về thành phố ngày một đông khiến nó bị quá tải. Sài Gòn xuất hiện nhiều khu ổ chuột, người dân sống nhếch nhác ven kênh rạch, điều kiện vệ sinh, an ninh kém.
Lý giải mỹ danh 'Hòn ngọc Viễn Đông' của Sài Gòn xưa


Kênh rạch ở Sài Gòn tràn ngập nhà ổ chuột trước năm 1975. Ảnh: Life


Còn PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Kinh tế Việt Nam - cho rằng, thập niên 60-70, Sài Gòn vẫn được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông" - thành phố được định danh duy nhất ở khu vực. Trong khi Singapore lúc đó chỉ là đảo quốc hoang vu, Bangkok cũng ít người nhắc đến. Những quốc gia này lấy Sài Gòn như hình tượng để phát triển theo.

"TP HCM hiện phát triển hơn nhiều so với thời Hòn ngọc Viễn Đông nhưng những bước tiến đạt được chưa tương xứng tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu đua tranh với các thành phố có vị thế, chức năng tương tự trên thế giới. Những thành phố như Bangkok, Singapore, Busan... đã vượt lên, dù TP HCM có xuất phát điểm tốt hơn", ông Thiên nói.

Viện trưởng Kinh tế cho rằng, quan điểm của Việt Nam những năm gần đây đã thay đổi và đây là cơ hội để đưa cả nước và TP HCM lên đẳng cấp mới.

Theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng mong muốn đưa thành phố trở lại vị trí dẫn đầu. Ông thể hiện quyết tâm lấy lại mỹ danh "Hòn ngọc Viễn Đông" nức tiếng một thời mà quốc tế đã nói về Sài Gòn.
                                                                                                                                            Sơn Hòa





Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Những doanh nhân trẻ đáng tự hào của Việt Nam

Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách Asia - Forbes 30 Under 30, gồm các tài năng dưới 30 tuổi tại nhiều lĩnh vực ở châu Á. 300 người trẻ tại 10 lĩnh vực đã được chọn ra. Họ được đánh giá là có khả năng tạo đột phá và thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp mình đang hoạt động.

Để có danh sách này, các phóng viên của Forbes từ Trung Quốc đến Australia, Ấn Độ và nhiều nước khác đã nghiên cứu và đề cử hàng nghìn ứng viên. Sau đó, danh sách được sàng lọc và thu gọn lại xuống vài trăm người. Những cái tên này lại được gửi đến một hội đồng gồm 30 giám khảo để chọn ra các đại diện cuối cùng.

Các ngành công nghiệp được nghiên cứu trải rộng từ thể thao - giải trí, nghệ thuật, công nghệ, kinh doanh, tài chính đến y tế. Một số đại diện tiêu biểu của Việt Nam trong danh sách:

1. Đinh Nhật Nam
Những doanh nhân trẻ đáng tự hào được Forbes chọn


Tuổi: 26

Đinh Nhật Nam là người sáng lập chuỗi cửa hàng cà phê Urban Station, đang được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng và đã có 38 chi nhánh trên cả nước. Với nhóm nhà đầu tư mới, Nam đang lên kế hoạch mở chuỗi cửa hàng mới tại Trung Quốc - nơi lượng tiêu thụ cà phê đang lên cao. Anh cũng đang tham gia vào một dự án nhập đồ uống chất lượng cao từ Singapore về Việt Nam.

2. Lâm Thị Thúy Hà
Những doanh nhân trẻ đáng tự hào được forbes chọn


Tuổi: 29

3 năm trước, Lâm Thị Thúy Hà đã phải bán nhà để có tiền mở website du lịch Triip.me. Năm nay, dịch vụ của cô được kỳ vọng nhận được 500.000 USD tiền đầu tư.

3. Lê Hoàng Uyên Vy
Những doanh nhân trẻ đáng tự hào được forbes chọn


Tuổi: 28

Lê Hoàng Uyên Vy tốt nghiệp Đại học Georgetown, chuyên ngành tài chính và hiện là Phó tổng giám đốc hãng thương mại điện tử VinEcom. Trước khi gia nhập công ty này, cô từng sáng lập website thời trang Chon.vn năm 2009 và Aiya - chuỗi nhà hàng bán món ăn đường phố Việt Nam. Tại VinEcom, cô phụ trách phát triển tổ chức, nhân sự và sản phẩm.

4. Lương Duy Hoài
Những doanh nhân trẻ đáng tự hào được forbes chọn


Tuổi: 27

Tận dụng khoảng trống lớn trong thị trường thương mại điện tử Việt Nam, năm 2012, anh đã đồng sáng lập công ty Giao hàng nhanh và hiện làm CEO. Công ty này cung cấp dịch vụ giao nhận và thu tiền hàng. Hiện Giao hàng nhanh có 1.000 nhân viên, kết hợp với nhiều doanh nghiệp online nhỏ để cung cấp dịch vụ trên cả nước. Đến cuối năm 2014, hãng thực hiện trung bình 10.000 đơn hàng mỗi ngày.

Ngoài ra, tại các mảng như truyền thông - marketing - quảng cáo và khoa học y tế, Việt Nam cũng có nhiều cái tên góp mặt. Đó là Lê Hùng Việt Bảo (29 tuổi) - nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago, Tạ Minh Tuấn (27 tuổi) - sáng lập tổ chức kết nối bệnh nhân và bác sĩ HELP International Cooperation và Trần Đức Việt (24 tuổi) - nổi tiếng nhờ các video trên YouTube với tên JVevermind.

Nguồn: VN express




Điếu cày và thú chơi tao nhã

Điếu cày cùng ấm nước chè xanh trong những lúc giải lao của bác nông dân, anh thợ hồ, bác đạp xích lô…là hình ảnh rất đỗi quen thuộc với những người Việt Nam, nhất là những người sinh ra và lớn lên ở vùng Bắc bộ.
Điếu cày và thú chơi lắm công phu
Hút thuốc lào trong lúc nghỉ ngơi
Biết thưởng thức thuốc lào, biết phân biệt thuốc lào loại nào ngon, loại nào êm, say cũng là cả một kỳ công và phải xem đó là thâm niên trong việc thưởng thức thuốc lào. Để thưởng thức cái vị êm say, mơ mơ màng màng trong làn khói mỏng manh của thuốc lào thì việc sử dụng cái điếu cày hay cái bát điếu cũng đòi hỏi người hút ở sự quen thuộc, tuy không phải gọi là tinh tế gì cho cao sang nhưng nếu không biết sử dụng nó cho đúng cách thì cái âm thanh phát ra từ cái điếu cày hay cái bát điếu sẽ không giòn giã, không rền, làm cho người hút mất đi cái cảm giác “khoái” , hay người ngồi gần đấy cũng không thèm ngó ngàng.
Tôi vốn sinh ra ở làng Hội Am thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, cũng là một ngôi làng có nhiều nét văn hóa từ bao đời, một vùng đất học nổi tiếng nhưng ở đây tôi chỉ xin chia sẻ đôi nét về thuốc lào hay cái điếu cày, cái bát điếu mà các cụ, các ông, các bà rồi đến những thế hệ cha chú tôi sau này đã sinh ra từ làng tôi không ai là không biết đến thuốc lào và thậm chí là vật phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày.
Tuy không lớn lên ở làng, nhưng ký ức tuổi thơ về cái bát điếu, cái điếu cày vẫn còn lờ mờ trong ký ức của tôi, và nhất là sau này có dịp trở về quê thường xuyên hơn. Hồi còn bé, nhất là trong những mùa gặt, sau khi lẽo đẽo theo người lớn ra đồng về, tôi lại chạy tót lên nhà trên, nhà ở quê thì thường làm nhà trên nhà dưới, nhà trên là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung, có kê bàn, tủ thờ, còn nhà dưới thì thường dùng làm phòng ngủ hay làm nhà bếp. Sẵn cái bát điếu của ông ngoại trên bàn, tôi mân mê lại lấy que đóm châm và hút trộm cái sái thuốc còn sót lại mà ông ngoại hút xong chưa kịp gẩy ra. Vì là cái sái nên có lẽ nó không say, rít một hơi rồi nhả khói….xong là chạy đi cho nhanh không thì chết đòn….
Giống như một đứa trẻ sống trong môi trường nào thì cái bản năng thuộc về môi trường đó rất lớn, ta hay gọi là “ có sẵn trong máu”, có thế mà mỗi lần tôi trộm nghịch thuốc lào thì cứ thế là hút, hút như đã biết từ lâu rồi. Nhưng có nhiều người, mới tập tành hút, mà hút bằng bát điếu thì dễ chứ hút bằng điếu cày mà không biết đặt hơi thì chỉ có sặc, mà sặc thuốc lào thì thôi rồi…ai đã từng sặc nước hay sặc thuốc lá thì sẽ ít nhiều hiểu được cảm giác ấy.
Trong điếu cày hay bát điếu đều có một ít nước bên trong, theo tôi hiểu thì nó có tác dụng lọc bớt các chất độc hại có trong thuốc lào, và một cái thú vị hơn đó là nó tạo ra cái âm thanh rất đặc trưng, cái âm thanh này không phải như một số nhạc cụ là thổi hơi vào mà nó được tạo ra khi người thưởng thức hút vào, cái hơi ấy luồn qua kẽ ống, qua lớp nước bên trong tạo ra thứ âm thanh không lẫn vào đâu được, mà chỉ có cái âm thanh này mới tạo ra được cái “thú”, cái “khoái” cho người thưởng thức thuốc lào.
Hút điếu cày cũng khá kỳ công, khi hút điếu cày làm từ ống tre, do có lớp vỏ cứng, người hút có thể dùng tay vỗ vào miệng điếu hoặc lấy hơi từ bụng thổi cho “sái thuốc” (phần thuốc lào chưa đốt cháy hết) ra khỏi nõ điếu. Nhưng nếu hút thuốc lào điếu cày làm bằng ống cây nứa - có thân mềm hơn vỏ tre - người hút phải khá nhẹ nhàng, theo kiểu “nâng như nâng trứng, hút như hút… điếu cày ống nứa”. Khi đã hút xong một điếu thuốc lào, người hút tuyệt đối không được dùng tay vỗ hoặc thổi hơi vào miệng ống để đẩy “sái thuốc” ra khỏi nõ điếu, vì có thể làm vỡ điếu hoặc lần sau hút điếu cày sẽ không kêu “ríttt ríttt” vui tai. Lúc này, người hút điếu cày ống nứa phải dùng lông đuôi gà ngoáy từ từ, chậm rãi vào nõ điếu để lấy “sái thuốc”, vì vậy dân gian mới có câu ca: “Đàn ông phải có đàn bà, điếu cày phải có lông gà mới kêu” để nói lên sự tao nhã và tỉ mỉ của việc thưởng thức một phần hồn dân tộc này.
Hút thuốc lào giờ đây đã nâng một tầm cao mới đó là “chơi”, nói cho rõ hơn đó là chơi điếu cày, chơi bát điếu giống như người ta chơi tem, chơi sách…một thú chơi không kém phần tao nhã nhưng lắm công phu và tỉ mỉ.
Điếu cày và thú chơi lắm công phu
Có nhiều loại điếu cày phù hợp từng đối tượng
Về ngã năm Sô Tô  Thanh Hóa, ai cũng biết anh Lê Thế Thiện với nghề làm điếu cày. Trong gian nhà nhỏ chưa đầy chục mét vuông, nhìn những khúc tre, trúc, nứa… ngổn ngang, đủ loại hình thù cùng bộ sưu tập điếu cày mới thấy cái thú chơi tao nhã này dường như đã ngấm vào máu thịt gia chủ. Ngồi nhìn anh tỉ mẩn tỉa tót, đẽo gọt từng mắt tre, đan từng sợi mây thành những vòng hoa văn quanh miệng điếu mới thấy công phu để tạo ra một chiếc điếu đẹp không hề dễ chút nào. Đấy là còn chưa kể tới việc nhiều chiếc điếu đã thành phẩm, sau một hồi trưng bày, ngắm nghía, thấy chưa ưng mắt, anh lại mang xuống tiếp tục nắn nót, gọt dũa…
Chưa đầy 30 tuổi nhưng anh Thiện đã có “thâm niên” hơn chục năm làm điếu. Chỉ tay vào một chiếc điếu cày thành phẩm, anh bộc bạch chia sẻ: “Để có được bộ sưu tập như thế này, ngoài thời gian ngồi làm điếu, tôi còn phải lặn lội khắp các làng quê, thậm chí chạy xe máy lên các huyện miền núi. Cứ ở đâu thấy có tre, nứa đạt các yếu tố đẹp, độc, dị, lạ, tốt là tôi tìm tới để chọn những khúc tre, khúc nứa ưng ý nhất mang về”.
Sau khi sưu tầm được vật liệu làm điếu ưng ý, về đến nhà, anh Thiện bắt đầu công việc chế tác của mình. Đối với điếu làm bằng tre, anh phải cạo sạch lớp cật tre bên ngoài, dùng giấy ráp đánh sạch sẽ. Rồi anh cho điếu vào nồi luộc hơn 30 phút để xử lý hết chất hữu cơ tự nhiên có trong thân tre, tránh mối, mọt sau này. Công đoạn cuối cùng là ngâm điếu trong nước… bã rượu (có nơi gọi là bã hèm - bã được làm từ cơm ủ với men rượu đã lên men, dân gian thường ngâm bã hèm trong nước sạch rồi chưng cất nấu lấy rượu). Nếu không ngâm điếu bằng bã rượu, khi sử dụng, điếu cày sẽ không “lên nước”.
Điếu cày “lên nước” là chỉ chiếc điếu sau một thời gian sử dụng, dưới tác dụng của khói thuốc có hơi nóng phía trong ống điếu, phía ngoài điếu sẽ dần dần chuyển từ màu vàng thô sơ tự nhiên vốn có sang màu đen bóng với những hình hoa văn “trời phú” đẹp mắt. Chiếc điếu “lên nước” càng nhiều hình thù hoa văn kỳ quái “độc nhất vô nhị”, chủ nhân sở hữu càng được đánh giá là “dân sành điệu về… điếu”, được giới hút thuốc lào nể trọng. Một chiếc điếu “lên nước” đẹp mắt có giá lên tới cả chục triệu đồng, nhưng chủ sở hữu rất ít bán, chủ yếu để thể hiện đẳng cấp sành điệu của mình.
 Thú chơi bình dân
Tìm hiểu được biết, giá trị của một chiếc điếu trước hết phụ thuộc vào việc chọn được thân ống tre (hoặc nứa) loại bánh tẻ, vóc dáng vừa vặn, có ụ mắt đẹp, có thể tạo được những họa tiết sinh động và được xử lý đúng quy trình để khi dùng sẽ “lên nước” bóng loáng. Nếu như làm thân điếu đã kỳ công, khâu làm nõ điếu cũng kỳ công không kém. Hiện tại, nõ điếu được cho là đạt tiêu chuẩn phải được làm từ gỗ. Tùy từng loại gỗ mà định giá sản phẩm. Bình quân, một chiếc nõ điếu làm từ gỗ mun thường có giá dao động từ 250.000 -500.000 đồng.. Có chiếc nõ được làm từ gỗ mun sừng (loại gỗ hiếm, màu đen bóng như sừng) có giá trên 1 triệu đồng. Cuối cùng là chân điếu. Thường thì chân điếu được làm bằng gỗ, tạo dáng cá, dáng rồng tùy theo sở thích của khách. Nhưng cũng có những khách hàng cầu kỳ, đặt làm chân điếu bằng sừng nai, sừng hoẵng hoặc bằng răng nanh lợn lòi…, đẩy giá của chiếc điếu cày lên đến cả chục triệu đồng. Tùy theo nhu cầu sử dụng của mỗi đối tượng khác nhau, từ những người nông dân lam lũ đến dân chơi sành điệu, ai cũng có thể tậu cho mình một cái điếu để thưởng thức cái món thuốc lào này
Điếu cày và thú chơi lắm công phu
Đa dạng về mẫu mã
Bên cạnh dòng sản phẩm thông thường, một số dân chơi điếu cày còn chú tâm tìm chơi dòng điếu “dị”, “độc”, “cổ quái”. Những chiếc điếu này thường được anh Thiện dày công tìm kiếm từ những bụi tre cằn cỗi, lâu năm… để cho ra những chiếc điếu có thân liền với gốc, dáng uốn lượn hợp lý và có những ụ mắt kỳ dị… Anh Thiện cho biết, với dòng sản phẩm này, gặp dân chơi sành điệu, họ sẵn sàng bỏ ra dăm bảy triệu đồng để sở hữu.
Điếu cày và thú chơi lắm công phu
Cái bát điếu họa tiết tinh xảo
Với tôi, chiếc điếu cày hay thuốc lào không phải xa lạ, nhưng mà để hiểu nó thì còn là cả một quãng đường dài, nhưng tôi muốn chia sẻ bài viết này để mang đến một dư vị mới, một nét hoài niệm, nét văn hóa đặc sắc mà chỉ có ở những làng quê Việt Nam, để con người Việt Nam ta ở khắp nơi trên thế giới hiểu nhiều hơn về những nét sinh hoạt rất đỗi bình thường này nhưng nếu không có thuốc lào hay chiếc điếu cày, bát điếu sẽ không làm nên một hồn Việt.



Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Tìm hiểu về xứ thuốc lào Vĩnh Bảo-Hải Phòng nổi tiếng

Thuốc lào Hải Phòng là giống thuốc lào được trồng, chế biến tập trung ở hai huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Thuốc lào tại địa phương này có giá trị kinh tế cao, thuốc ngon có tiếng và từng mang danh thuốc lào tiến vua.
Nguồn gốc xứ thuốc lào Vĩnh Bảo-Hải Phòng nổi tiếng
Mùa thuốc lào
Vốn là một người con sinh ra tại quê hương Vĩnh Bảo Hải Phòng nơi có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và Thần đồng bảng nhãn Đào Công Chính những vị quan trụ cột của triều đình phong kiến trước đây, bên cạnh đó còn có đặc sản thuốc lào, nghề dệt vải, nuôi cá mè... qua bài viết này xin giới thiệu về nghề trồng thuốc lào nổi tiếng của hai huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo vốn đã vang danh khắp xứ, cũng là một cách để mọi người biết đến nhiều hơn.
Dân gian vẫn truyền nhau câu ca dao rằng:

Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại cày điếu lên...
Hay câu:
Thuốc lào chồng hút vợ say,
Thằng con châm điếu lan quay ra nhà,
Có anh hàng xóm đi qua,
Hít phải khói thuốc say ba bốn tuần...

Đủ để thấy cái sức lôi cuốn, cái êm say mỗi lần thưởng thức, hòa quyện trong từng làn khói mỏng của những người đã chót nghiện thuốc lào.
Không ai biết huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo Hải Phòng trồng thuốc lào chính xác từ bao giờ và nổi tiếng từ khi nào, nhưng canh tác, sản xuất, chế biến thuốc lào tại đây đã lưu truyền từ đời nọ sang đời kia và trở thành nghề truyền thống của hàng ngàn hộ dân. Ban đầu cây mọc hoang ở bên đường, bãi cỏ, lá xanh mùi hắc, khô nhai thấy đắng, đốt thấy thơm, vê cuộn đốt hút khói vào họng thấy say đê mê. Sau nhiều người ưa chuộng thành quen, và các sự tích về cây thuốc lào dần được dân gian ca sự. Bên bờ Sông Hàn giữa hai huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng xưa từng lưu truyền câu chuyện về đôi trai gái yêu nhau ra bờ sông hóng mát, thấy lá thuốc lào cuộn hút rồi say ngủ quên để đến nỗi chết đuối khi nước triều lên.
Nguồn gốc về xứ thuốc lào Vĩnh Bảo-Hải Phòng nổi tiếng
Thuốc lào phơi khô

Có giả thiết cho rằng thuốc lào được du nhập từ Ấn Độ, Miến Điện, Ai Lao qua những khách buôn. Sách Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn ghi Từ năm Canh Tý (1660), niên hiệu Vĩnh Thọ (1658-1662), đời vua Lê Thần Tông, người Ai Lao đem cây ấy đến, dân ta trồng. Một giả thuyết lưu truyền khác cho rằng chính Thượng thư Bộ Hộ Nhữ Văn Lan (1443-1523), ông ngoại Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, là người đã có công trong việc tiến loại thuốc lào ngon hảo hạng lên vua. Tuy nhiên, nếu những gì mà niên biểu thuốc lá đã công bố là đúng thì tới khoảng năm 1556-1558 cây Nicotiana spp. đầu tiên mới xuất hiện tại châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), vào năm 1560 Jean Nicot de Villemain mới gửi những cây thuốc lào (N. rustica) đầu tiên về triều đình Pháp, tới khoảng những năm 1592-1598 người Triều Tiên mới biết đến hút thuốc chế từNicotiana spp do người Nhật truyền sang. 
Cũng như những gì Alexandre de Rhodes đã viết trong Từ điển Việt - Bồ - La (Dictionarium annamiticum lusitanicum, et latinum...) xuất bản năm 1651 và Lê Quý Đôn đã viết trong Vân Đài loại ngữ, thì thuốc lào ở dạng thuốc hút/hít có lẽ đã du nhập vào Việt Nam sau năm 1560 và trước năm 1651 - có lẽ vào cuối thế kỷ 16, ít nhất là sau khi Nhữ Văn Lan đã mất khoảng 40 năm, và người Việt chỉ biết cách trồng cây thuốc lào từ năm 1660 trở đi.
Nguồn gốc về xứ thuốc lào Vĩnh Bảo-Hải Phòng nổi tiếng
Hun sấy thuốc lào

Về câu chuyện "thuốc lào tiến vua", sách Đồng Khánh dư địa chí lược ghi thuốc lào An Tử Hạ là thứ thuốc thuộc loại ngon nhất thường để tiến vua. Làng An Tử Hạ thuộc tổng Hán Nam, huyện Tân Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là thôn Nam Tử 1, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng). Nhiều cụ cao niên ở Tiên Lãng, Hải Phòng còn cho biết thuốc lào tiến vua là loại đặc biệt chỉ trồng riêng ở một khu ruộng gọi là ruộng Chùa ở An Tử. Giống cây thuốc lào ở đây lá nhỏ, dày và năng suất rất thấp, lại được trồng hết sức cầu kỳ. Hai ngày rẽ nhánh một lần, tức cấu những lá và búp non để cây tập trung dưỡng chất nuôi một số lá. Nếu cây bị sâu bệnh thì phải dùng cơm nếp giã nhỏ đắp lên chỗ sâu bệnh. Khi thu hoạch lại phải để thuốc lên trên, đốt rơm ở dưới để đượm khói, ra mùi thơm đặc trưng. Thuốc phơi được 2-3 nắng, gia chủ tiếp tục làm bầu (dùng một dụng cụ giống như quả bầu) chắt nước cháo và phun vào các phên thuốc để tạo mùi.
Nguồn gốc về xứ thuốc lào Vĩnh Bảo-Hải Phòng nổi tiếng
Thưởng thức thuốc lào, nét văn hóa có từ hàng trăm năm
Suốt thời phong kiến, chỉ có thuốc của tổng Hán Nam khi bao gói được buộc bởi lạt tre nhuộm đỏ để phân biệt. Các nơi khác chỉ được buộc lạt tre trắng, nếu phát hiện buộc lạt đỏ sẽ bị nhà chức trách phạt tiền rất nặng, thậm chí có thể bị tịch thu. Khi bán buôn thuốc lào cho khách, đơn vị tính bằng "cong". Thuốc lào các nơi khác đóng 23 bánh một cong, riêng ở tổng Hán Nam được đóng 22 bánh một cong nhưng vẫn được tính giá theo cong 23 bánh. Thương hiệu độc quyền này vẫn được các nhà Đoan thời thuộc Pháp áp dụng cho đến tận Cách mạng tháng Tám 1945 mới chấm dứt.
Nói đến thuốc lào mà không nói đến dụng cụ để hút thuốc là cái điếu cày và cái bát thuốc thì quả là thiếu sót rất lớn. Trong các bài tiếp theo khatvongvietnam2016.blogspot.com sẽ đưa các bạn tìm hiểu tiếp về hai dụng cụ này, mong các bạn đón theo dõi 

Nguồn:vi.wikipedia.org
http://khatvongvietnam2016.blogspot.com dẫn

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

"Sài Gòn" tên gọi có từ đâu?!

Thị trấn giữa rừng, Vùng đất ăn nên làm ra, Cống phẩm của phía Tây... là những cách lý giải của học giả về tên gọi thành phố hơn 300 tuổi.

Chắc hẳn nhiều người Việt Nam trong chúng ta vẫn quen miệng khi nhắc tới Thành phố Hồ Chí Minh bằng cái tên đã có từ hàng trăm năm nay là " Sài Gòn", nhiều  nhà nghiên cứu văn hóa đã cất công tìm hiểu để mong tìm ra cách lý giải gần gũi nhất để mong những thế hệ sau hiểu rõ nguồn gốc của mảnh đất đã hơn 300 năm tuổi và hơn thế đó là giá trị văn hóa mà các thế hệ sau cần được biết tới.

Từ đầu thế kỷ XX người Pháp đã nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc của địa danh Sài Gòn - thành phố mà họ muốn biến thành “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Nhưng cái tên dung dị, thân quen ấy kể cả người Việt cũng đều không rõ nghĩa.

Sau hơn 300 năm hình thành, phát triển, nhiều thế hệ học giả vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc tên gọi này. Trong rất nhiều công trình nghiên cứu, Sài Gòn có 3 cách lý giải được đánh giá cao nhất.
"Sài Gòn" tên gọi có từ bao giờ?!
Tàu bè ra vào sông Sài Gòn thế kỷ 19. Ảnh: Flickr
Thị trấn giữa rừng

Căn cứ vào từ “Sài” nghĩa “củi” và “Gòn” tức “cây bông gòn”, quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của ông Huỳnh Tịnh Của cho nghĩa của Sài Gòn là “củi gòn”.

Dựa theo thông tin này, học giả Trương Vĩnh Ký nói rằng tên gọi Sài Gòn được phiên âm từ “Prei Nokor” của người Khmer. Giả thuyết này được ông Ký đưa ra trong giáo trình “Địa lý Nam Kỳ” của mình. Một loạt cách gọi tương tự về địa danh Việt - Miên ở Nam Kỳ phiên âm giống vậy như Cần Giờ là từ “Kanco”, Cần Giuộc là “Kantuộc”, Gò Vấp là “Kompăp”…

“Prei” theo tiếng Khmer nghĩa là “rừng”, còn “Nokor” là “thị trấn”. Như vậy “Prei Nokor” nghĩa là một “thị trấn ở trong rừng”. Nghĩa rộng hơn theo Phạn tự là "lâm quốc". Vùng này trước đây là đại bản doanh của một Phó vương nước Chân Lạp cũ.

Dần dần, người dân đọc trại từ “Prei” thành “Rai” rồi thành “Sài”. Từ “Nokor” đọc lướt thành “Kor” và từ “Kor” thành ra “Gòn”.

Căn cứ của lý giải này dựa vào việc Prei Nokor xưa kia là rừng rậm có nhiều cây gòn được dân cư sử dụng làm củi. Học giả Trương Vĩnh Ký kể lại rằng, người Khmer xưa có trồng cây gòn chung quanh đồn Cây Mai. Chính ông còn thấy vài gốc cổ thụ tại đó năm 1885.

Sau Trương Vĩnh Ký, đốc phủ Lê Văn Phát đồng tình lý giải này. Ông cho rằng, không chỉ người Khmer mà người Lào cũng gọi vùng này là "rừng cây gòn" thông qua từ Cai Ngon. Vốn dĩ ngôn ngữ Lào giống tiếng Thái nên Cai Ngon có nghĩa là Rừng Chỗi Cây Gòn.

Tuy nhiên giả thuyết này bị cho là không có căn cứ, vì qua thời gian, không ai tìm ra được dấu tích của một “khu rừng có nhiều cây gòn” tại Prei Nokor cả, mà đó chỉ là suy đoán.
"Sài Gòn" tên gọi có từ bao giờ?!
Trung tâm của Sài Gòn xưa. Ảnh: Flickr

Vùng đất ăn nên làm ra

Học giả - nhà văn Vương Hồng Sển cho rằng không thể dựa vào ngữ nghĩa hai từ “Sài Gòn” hay “Prei Nokor” để phân tích. Trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”, cụ Vương đã dày công tra cứu hàng loạt sách báo Pháp lẫn Việt. Ngoài ra, ông đi thu thập dữ liệu từ dân gian nên rút ra cách lý giải khác.

Theo Vương Hồng Sển, khi người Hoa rời Cù lao Phố (Biên Hòa) vào năm 1773, đã tụ về vùng đất mới Chợ Lớn ngày nay. Họ nhận ra đây là nơi “ăn nên làm ra” cần được củng cố cho thật bền vững. Người Hoa cho đắp thêm bờ kinh cao ráo và kiên cố hơn, và gọi vùng đất này là “Tai-Ngon” hay “Tin-Gan” mà theo Hán Việt là Đề Ngạn.

Đề Ngạn phát âm theo giọng Quảng Đông nghe ra là “Thầy Ngồn” hay “Thì Ngòn”. Và đó chính là âm để gọi vùng đất Chợ Lớn thời ấy. Theo thuyết này của cụ Vương thì âm “Sài Gòn” là từ “Thầy Ngồn”, “Thì Ngòn” mà ra.

Tuy nhiên theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Qúy Đôn viết năm 1776 có dữ kiện “năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ lũy Sài Gòn”… Đây cũng là lần đầu tiên hai từ “Sài Gòn” xuất hiện trong tài liệu Việt Nam. Điều này chứng tỏ từ "Sài Gòn" có trước thời điểm người Hoa đến Chợ Lớn nên cách lý giải của Vương Hồng Sến không thuyết phục.
"Sài Gòn" tên gọi có từ bao giờ?!

Sài Gòn ngày nay sau hơn 300 năm phát triển. Ảnh: Trần Bảo Hòa

Cống phẩm của phía tây

Còn học giả người Pháp Louis Malleret cho rằng Sài Gòn có nguồn gốc từ tiếng "Tây ngòn" - nghĩa là cống phẩm của phía tây (Tây Cống). Tiếng "Tây ngòn" phát âm theo giọng người Hoa thành Sài Gòn.

Sở dĩ ông Malleret theo thuyết này vì dựa vào dữ kiện lịch sử do Trịnh Hoài Ðức chép lại. Khi Campuchia bị phân ra cho hai nhà nước thì cả hai vua đều nạp cống phẩm cho chúa Nguyễn ở Prei Nokor.

Về lý giải này của học giả người Pháp, ông Vương Hồng Sển lại cho rằng "Tây Cống" chỉ được người Hoa dùng sau này. Ngày trước vùng Chợ Lớn được gọi là Sài Gòn nhưng khi người Pháp chiếm các tỉnh Đông Nam bộ đã gọi vùng Bến Nghé là Sài Gòn vì tên Bến Nghé quá khó đọc với họ.

Nguồn gốc tên gọi Sài Gòn sẽ còn nhiều tranh luận nhưng nhiều học giả nhận xét, việc không rõ thực hư như vậy càng khiến Sài Gòn hơn 300 năm càng thêm huyền bí, hấp dẫn, khơi gợi sự tò mò khi muốn tìm hiểu.

Tên gọi Sài Gòn dù nguồn gốc như thế nào thì tính cách người Sài Gòn vẫn không đổi khác, vẫn là "Anh Hai Nam bộ", đi trước đón đầu trong nhiều lĩnh vực. Sài Gòn - TP HCM đang chuyển mình phát triển để lấy lại danh xưng một thời "Hòn ngọc Viễn Đông", là đầu tàu cả nước trong nhiều lĩnh vực.

Nguồn: Sơn Hòa-VNexpress
http://khatvongvietnam2016.blogspot.com trích dẫn






Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Một quốc gia khởi nghiệp không cần đao to búa lớn

Mong muốn tinh thần "quốc gia khởi nghiệp" lan ra toàn xã hội, Phó thủ tướng đồng thời kêu gọi cộng đồng start-up kết nối với nhau nhiều hơn, thay vì chỉ là hô hào hình thức.

Buổi hội thảo "Khởi động sáng kiến khởi nghiệp quốc gia" diễn ra ngày 30/3 đã thu hút sự chú ý của đông đảo các doanh nghiệp, giới trẻ khi có sự tham gia của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - người vẫn luôn dành sự ủng hộ cho cộng đồng start-up.

Vị đại diện Chính phủ cũng thẳng thắn đề cập tới thực tế thiếu tính kết nối trong cộng đồng start-up Việt và căn bệnh "có nhiều người giỏi sơ sơ mỗi thứ một tí" của Việt Nam. "Phần lớn ở nước ta, những vấn đề có tính chất công nghệ không dồn sức đi sâu vào tận cùng mà chỉ đi rộng, khoán. Chúng ta thiếu những chuyên gia thật giỏi, những start-up thật sự giỏi", ông nói.

mot-quoc-gia-khoi-nghiep-khong-can-dao-to-bua-lon
Một quốc gia khởi nghiệp không cần đao to búa lớn

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ 2 từ phải) và Chủ tịch FPT - Trương Gia Bình (ngồi kế) tại hội thảo khởi động Sáng kiến khởi nghiệp quốc gia. 
Theo ông, nếu mong muốn là một quốc gia khởi nghiệp thì tinh thần khởi nghiệp phải là từ khóa ở mọi diễn đàn, nhen dần lên để cộng đồng nhỏ lan ra toàn xã hội mà không cần "đao to búa lớn". "Điều quan trọng nhất là tất cả mọi người phải ứng dụng khoa học công nghệ, phải sáng tạo để đất nước giàu lên, không cẩn thận từ khóa 'quốc gia khởi nghiệp' lại giống mấy chục năm trước nói công nghiệp hóa mà chỉ là hình thức. Tôi muốn bước ra cùng các bạn để tạo cộng đồng, vườn ươm để Việt Nam của thế hệ tiếp theo có thể đào sâu hơn nữa", ông Đam bày tỏ.

Chia sẻ với Phó thủ tướng, hầu hết các diễn giả cũng nhìn nhận kết nối là nền tảng sáng tạo để xây dựng được một quốc gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn cho rằng thay đổi giáo dục từ gốc sẽ là một chìa khóa hữu hiệu để thực hiện tham vọng này. Ông Hoàng Minh Sơn (Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa) cho rằng 2 yếu tố quan trọng để thành công là ý tưởng đặc sắc và công nghệ đặc sắc. "Để có ý tưởng cần có tính sáng tạo, tôi mong muốn hệ thống giáo dục phổ thông thúc đẩy tính sáng tạo cho học sinh từ bé. Ngoài ra trong việc nghiên cứu phải hỗ trợ cho sinh viên để nghiên cứu khởi nghiệp vì có nhiều rủi ro… Cần tài trợ cho nghiên cứu chứ không chỉ theo kiểu đề tài nghiệm thu", ông nói.

Đại diện cho nơi được xem là "vườn ươm", bà Lê Thị Oanh - Hiệu truởng Truờng Hà Nội Amsterdam cũng nhắc lại chuyện ngôi trường này làm một dự án start-up năm 1996 để chứng minh rằng khởi nghiệp không cần cứ đợi đến năm nào cả, các bạn trẻ 12-14 tuổi vẫn làm được.

Đại diện của IDG Ventures cũng nêu thực tế rằng các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam được định giá không kém gì Malaysia và Singapore nhưng nền tảng bền vững lại không bằng các nước họ. Do đó, ông nhận định: "Nếu đổi mới giáo dục từ gốc thì 5-10 năm nữa chúng ta sẽ có được một thế hệ start-up tuyệt vời".

Đến từ Israel - nơi vẫn được gọi là "quốc gia khởi nghiệp", Đại sứ Meirav Eilon Shahar không quên nhắc đến việc đầu tư vào tài chính, bên cạnh giáo dục, để phát triển ý tưởng này. Thậm chí, theo bà, yếu tố tài chính là quan trọng nhất. "Israel có tôn chỉ để thị trường định hướng, Chính phủ chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Từ những năm 90, Israel cũng bắt đầu chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nhưng đến nay không cần nữa vì đã có đầu tư từ khối tư nhân", bà cho biết. Hiện nay ở Israel có 19 vườn ươm khởi nghiệp và cách điều hành là Chính phủ không trực tiếp làm mà cho tư nhân đấu thầu, tiền không về tay Chính phủ mà 50% đổ vào các doanh nghiệp.

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cũng nêu ví dụ của Singapore - nước lọt top 10 thế giới về cạnh tranh khởi nghiệp. "Ở đó quỹ đầu tư nhiều vô kể, ở Việt Nam lại quá giới hạn, chỉ bằng một phần mười. Cần cơ chế để tăng gấp 10 lần tinh thần khởi nghiệp quốc gia", ông nói.

Cũng về vấn đề tài chính, ông Lê Xuân Hòa - Tổng thư ký Vinasa cho rằng cần có môi trường thuế, tài chính thuận lợi cho các start-up. "Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp Công nghệ thông tin nhưng lại ra nước ngoài tiến hành. Nhiều nhóm chỉ 2-3 ngựời kiếm được hàng triệu USD nhưng lại ở nước ngoài. Chính phủ cần có hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp và cần có cơ chế với các doanh nghiệp đã dành ngân sách cho vườn ươm khởi nghiệp", ông nói.

Tại hội thảo, những người trực tiếp điều hành doanh nghiệp cũng nhân cơ hội này bộc bạch vướng mắc với người đại diện Chính phủ. Đại diện Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Venture cho biết nhiều trường hợp khi định giá quỹ đầu tư cao thì lại bị cơ quan thuế nói định giá tài sản vô hình như vậy là vô lý. "Doanh nghiệp vướng nhiều vấn đề giấy phép con", vị này nói. Bên cạnh đó, đại diện IDG cũng đề cập nhiều về chính sách thuế bất cập chưa khuyến khích start-up của Việt Nam.

Phản hồi ngay sau đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình Chính phủ sẽ bàn thảo nhiều để làm chính sách thuế khuyến khích công nghệ thông tin nhưng theo ông vẫn cần nhìn đúng vào bản chất hơn. "Chính sách thuế, khoa học của Israel không khác các nước khác là mấy. Chính phủ Việt Nam không phải không sẵn sàng đầu tư mà bản chất là đầu tư cho khoa học và giáo dục rất nhiều", ông nói.

"Các bạn nghiên cứu kỹ, làm ra trường hợp cụ thể rồi nói vướng ở chỗ nào. Nếu vướng ở tầm Chính phủ mà các dự án của các bạn thuyết phục thật sự thì làm rất nhanh. Chính phủ sẵn sàng bàn về các nghị quyết chuyên đề. Nó không phải đơn vị đo bằng ngày, tuần nhưng chắc không đo bằng năm", đại diện Chính phủ hứa hẹn.

Nguồn: Thanh Thanh Lan-vnexpress.net
http://khatvongvietnam2016.blogspot.com trích dẫn