Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

GS Ngô Bảo Châu: "Không nhất thiết phải có bằng đại học"

GS Ngô Bảo Châu: "Không nhất thiết phải có bằng đại học"

GS Cédric Villani và GS Ngô Bảo Châu trả lời câu hỏi của báo chí về quan điểm đối với kỳ thi THPT quốc gia, về việc phát triển những năng khiếu toán học.
Là người thành công, GS Ngô Bảo Châu khuyên gì với những thí sinh trượt đại học năm nay?
GS Ngô Bảo Châu: Mỗi người sinh ra mỗi khác, có những mối quan tâm, có khả năng khác nhau.
Tôi xin kể một câu chuyện như thế này: Hôm trước, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán đã hỗ trợ để sinh viên tổ chức thi toán mô hình cho học sinh. Tôi về nước và được tham gia buổi chấm điểm cuối cùng, trong đó có bài toán về trồng cây, tưới cây. Tôi thấy có những bạn chuyên toán, yêu toán thích toán, nhưng không quan tâm đến cây cối mà chỉ quan tâm tới việc chứng minh khả năng toán của mình.
Trong khi đó, có những bạn không giỏi toán bằng, nhưng thực sự quan tâm đến việc làm sao tưới cây tốt nhất. Những bạn này đưa ra lời giải chưa hoàn hảo về toán học, nhưng rất thú vị về việc tưới cây.
GS Ngô Bảo Châu: "Không nhất thiết phải có bằng đại học"
GS Ngô Bảo Châu và GS Cédric Villani 
tại buổi Tọa đàm về phương pháp giáo dục, làm thế nào để chuyển lửa... tối ngày 24/8.
Giá trị của một con người không thể đánh giá dựa trên tiêu chí giỏi điều gì đó, mà còn căn cứ vào rất nhiều phẩm chất khác nhau. Nền giáo dục chúng ta hướng tới cần phải đa dạng để cho mỗi đứa trẻ phát triển phẩm chất của bản thân. Nền giáo dục cần cho phép phẩm chất đó được thể hiện để khi lớn lên phẩm chất của đứa trẻ trở thành một tác phẩm nào đó trong cuộc đời.
Quay lại chuyện đi học, tôi thấy rằng tàn dư của xã hội phong kiến say sưa bằng cấp dẫn đến việc mọi người đều coi trọng bằng đại học. Nhưng một bạn trẻ hoàn toàn có cuộc sống nhiều ý nghĩa, có công việc nhiều niềm vui, mà không nhất thiết phải có bằng đại học.
Còn với những thí sinh trúng tuyển đại học nhưng không đúng với ngành nghề mong muốn thì sao, thưa giáo sư? Các em nên thay đổi giấc mơ của mình hay chấp nhận thực tại?
- GS Ngô Bảo Châu: Vì một số trục trặc trong tuyển sinh, nên một số thí sinh chỉ cần đỗ đại học mà không nhất thiết phải vào ngành mình mong muốn. Tôi cho rằng đó là điều đáng tiếc.
Tôi hy vọng các trường đại học có sự mềm dẻo, cho phép sinh viên được chuyển ngành, chuyển khoa để vào đúng ngành mà các em yêu thích, có phẩm chất và năng lực để học.
Việt Nam có nhiều người giỏi, có khả năng đặc biệt về Toán học, có thể theo đuổi sâu về Toán và các ngành khoa học tự nhiên. Nhưng thực tế cuộc khống khiến rất nhiều bạn trẻ đã từ bỏ. Các Giáo sư có giải pháp nào để hỗ trợ các em theo đuổi đam mê?
GS Ngô Bảo Châu: Tôi không phải là nhà toán học Việt Nam duy nhất thành danh trên thế giới. Các nhà toán học Việt Nam nổi danh trên thế giới không quá nhiều nhưng cũng không phải là ít. Tôi có những đồng nghiệp có sự nghiệp rất tốt tại các trường đại học, có những đồng nghiệp trẻ hơn tôi đã có sự nghiệp rất rạng rỡ.
Đúng là có thực tế hiện có nhiều học sinh có khả năng trong lĩnh vực toán học nhưng chọn việc khác. Đó là điều không may.
Những gì mà tôi và các đồng nghiệp đang làm hiện nay như sáng lập Viện nghiên cứu mới, tổ chức các khoá học bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, tìm kiếm và cấp học bổng để học sinh yêu toán có nhiều cơ hội hơn, tham gia trao đổi tại nước ngoài... cũng là để giải quyết thực trạng đáng buồn đó.
Tôi nghĩ trong cuộc sống có những điều không may xảy ra, những điều chúng ta nên là làm nhiều nhất có thể để các bạn yêu khoa học được thực hiện giấc mơ của mình. Tôi, và có nhiều người nữa như anh Vũ (giáo sư Dương Nguyên Vũ, Giám đốc Viện John Von Neumann, ĐHQG TP.HCM), luôn làm việc với tinh thần đó, phấn đấu theo hướng này này để hỗ trợ các bạn trẻ.
GS Cédric Villani: Một nghiên cứu của Mỹ đã xếp nghề toán là cao quý nhất trong số 200 nghề, vì đây là nghề có tương lai nhất, có mức tăng trưởng, cơ hội phát triển và khả năng ứng dụng cao nhất.
Nhưng chúng ta không thể khuyến khích sinh viên học toán nếu không có đầu ra. Bên cạnh việc tạo cơ hội cho sinh viên học tập như GS Ngô Bảo Châu đã nói, còn cần phải phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn, những ngành nghề phụ trợ mới có đất cho sinh viên học toán.
Cần phải tiến hành song song cả hai hướng này.
GS Ngô Bảo Châu từng nhận định Bộ GD-ĐT rằng bỏ khối chuyên ở cấp 2 là điều đáng tiếc. Hai ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về điều này?
- GS Ngô Bảo Châu: Không chỉ mình tôi mà rất nhiều người trong cộng đồng toán học đều phiền lòng vì quyết định bỏ hệ thống chuyên cấp 2.
Tôi cảm giác có quan niệm chung của xã hội đã để dấu ấn trong quyết định của Bộ GD-ĐT rằng học sinh chuyên là “gà chọi”. Tôi thấy đó là quan niệm phiến diện. Tôi biết những người học sinh chuyên toán và tôi không thấy họ là “gà công nghiệp” tí nào.
Quan điểm của tôi về giáo dục là trong điều kiện cho phép, xã hội chúng ta tạo điều kiện để con em mình phát triển những phẩm chất của bản thân.
Nhiều người nói ở Pháp, Mỹ không có trường chuyên - họ đã nhầm. Ở Mỹ cũng có những mô hình trường giống trường chuyên, tuyển sinh gắt gao, chương trình học nặng, có sự tranh thi đua lớn. Có trường có hàng chục cựu học sinh sau này được giải Nobel.
GS Cédric Villani: Ở Pháp cũng có những cuộc tranh luận sôi nổi về trường lớp chuyên.
Thường có hai nhận xét chính về lớp chuyên. Thứ nhất là chúng ta yêu cầu học sinh học chuyên quá sớm nên sợ sau này các em chỉ biết môn chuyên đó. Nhận xét thứ hai là trường chuyên khiến những học sinh này bị tách biệt với cuộc sống, khó hoà nhập với những thành phần còn lạic ảu xã hội.
Nhưng trường lớp chuyên có những thuận lợi nhất định. Nó giúp các bạn trẻ tập trung vào môn học mũi nhọn, phù hợp với đam mê của mình.
Và bên cạnh đó là niềm đam mê của giáo viên - người truyền tải kiến thức. Động cơ và niềm đam mê bao giờ cũng quan trọng hơn kỷ luật hay quy định.
Vì vậy, trường lớp chuyên giúp chúng ta nuôi dưỡng sự đam mê rất tốt.
Còn khía cạnh khác phải nói tới đó là tính trừu tượng của ácc bộ môn như toán lý thuyết.
Tôi nghĩ rằng tất nhiên nếu học sinh học cái gì cụ thể hay thực tiễn thì cũng tốt thôi, có thể khuyến khích. Trong những lớp chuyên chúng ta hoàn toàn cho học sinh học tốt về cả lý thuyết và thực hành. Chúng ta cần có sự trộn lẫn hài hoà giữa lý thuyết và thực hành. Và điều này có thể áp dụng tốt ở lớp chuyên.
- Cảm ơn các ông!
Nguồn Vietnamnet.vn
http://khatvongvietnam2016.blogspot.com trích dẫn




0 nhận xét:

Đăng nhận xét